09 kỹ năng vượt ải thử việc trở thành nhân viên kinh doanh mới xuất sắc

Để tôi đoán… Bạn đang cảm thấy lo lắng vì sắp hết ba tháng thử việc bạn vẫn chưa đạt được KPI kinh doanh công ty giao. Bạn cảm thấy bối rối và không biết phải làm việc tiếp như thế nào. Bạn tự hỏi: “Mình có phù hợp với lĩnh vực này không? Mình có làm được tiếp không? Đi xin việc ở công ty khác họ có nhận mình không?”. Bạn đi hỏi những người đã làm việc lâu năm, những nhân viên mới được nhận vào làm chính thức để học hỏi kinh nghiệm, nhưng thời gian đã quá gấp rút rồi bạn không biết phải làm cái gì trước, cái gì sau, làm cái nào sẽ nhanh chóng có được kết quả. Bạn rơi vào trạng thái lưng chừng, cố gắng không đủ nhưng đặt nhiều kỳ vọng, bạn biết sẽ thất bại nhưng bạn mong may mắn sẽ đến với mình. Sự thật là: nếu chúng ta có tư duy, kế hoạch và biết được các kỹ năng ngay từ đầu, cộng với sự nhiệt huyết của nhân viên mới, bạn hoàn toàn có thể vượt qua ba tháng thử việc với kết quả xuất sắc.
Bắt đầu với một mục tiêu hoặc không hãy đón chờ thất bại luôn đi.
1. Xác định mục tiêu trong 3 tháng thử việc
Đầu tiên, bạn cần hỏi người quản lý: KPI để được nhận vào làm việc chính thức là gì. Bạn chắc chắn phải đạt được KPI vì nó quyết định 80% bạn có được nhận vào làm chính thức hay không. 20% còn lại thường được đánh giá dựa trên khả năng giao tiếp, kết nối với mọi người trong nhóm, trong phòng và trong công ty. Bạn cần học cách cởi mở, thân thiện và nhớ tên tất cả mọi người. Đặc biệt bạn nên tạo một dấu ấn với sếp – thường là giám đốc ngoài cấp quản lý, người sẽ duyệt hồ sơ của bạn, để sếp có thể nhớ tên bạn, đó sẽ là một lợi thế.
Một vài yếu tố bên cạnh như: khả năng xử lý vấn đề, sự nhanh nhẹn, linh hoạt và sôi nổi tham gia các phong trào công ty…sẽ là một điểm cộng cho bạn.
Đừng sợ khi phải bước chân ra ngoài tìm kiếm khách hàng.
2. Lên kế hoạch chào hàng
Bạn đã lựa chọn con đường kinh doanh thì hãy nhớ rằng: Kinh doanh quan trọng nhất là doanh thu, đủ doanh thu bạn muốn nói gì, làm gì cũng được.
Sau khi xác định được mục tiêu, bạn sẽ học các thông tin về dịch vụ. Hãy tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm, dịch vụ, chân dung khách hàng công ty bạn đang hướng đến, tìm thêm tài liệu trên mạng để nghiên cứu và nếu chưa biết hãy đặt câu hỏi cho quản lý của bạn. Sau đó bạn chuẩn bị một bài bán hàng theo 3 định dạng: gửi email, tư vấn qua điện thoại và gặp mặt trực tiếp.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin khách hàng qua kênh google, trên trang tra cứu thông tin doanh nghiệp, trang tuyển dụng và bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam…Hoặc bạn cũng có thể tìm thấy thông tin doanh nghiệp ngay trên con đường mỗi ngày bạn đi, qua các văn phòng và tòa nhà lớn.
Khi mới thử việc, bạn cũng đừng ngần ngại gọi chào hàng các công ty lớn, đừng sợ vì sau bạn còn có cấp quản lý luôn sẵn sàng hỗ trợ trong thời điểm này.
3. Mở rộng mối quan hệ với các phòng ban khác
Một công ty với đa sản phẩm, dịch vụ để vận hành sẽ không chỉ có các trung tâm kinh doanh mà còn có kỹ thuật, kế toán, chăm sóc khách hàng, hành chính và marketing…Mỗi bộ phận này đều giải quyết một giai đoạn trong quy trình làm việc với khách hàng. Hãy làm quen, giao lưu với họ, đôi lúc họ cũng sẽ là những người mang đến khách hàng cho bạn.
Đặc biệt với một công ty có nhiều trung tâm kinh doanh khác nhau, bạn sẽ có cơ hội có được khách hàng tiềm năng khi các trung tâm kinh doanh khác không nắm được nhiều về dịch vụ của trung tâm bạn. Hãy kết nối với những nhân viên kinh doanh ở các trung tâm khác và đề nghị một sự hợp tác chéo để cùng bán được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho khách hàng.
4. Đi đến các hội thảo
Hội thảo là nơi có rất nhiều đối tác và các khách hàng tiềm năng của bạn. Đến hội thảo, bạn không những được mở rộng kiến thức, mối quan hệ mà còn có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường, lĩnh vực bạn đang làm.
Bạn nghĩ là mình làm ở công ty A thì chỉ bán được cho khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của công ty A? Không, bạn lầm rồi, công ty B, C, D… cũng có thể là người mang khách hàng đến cho bạn nếu bạn biết kết hợp. Mỗi công ty thường sẽ làm một lĩnh vực chính, hãy kết nối với các nhân viên kinh doanh của họ, giới thiệu về công ty mình và đề nghị một sự hợp tác. Đương nhiên để hai bên đều có được lợi ích và hài lòng trong quá trình hợp tác thì khi bạn có khách hàng cần các dịch vụ mà công ty bạn không có hãy giới thiệu cho các công ty khác và ngược lại.
Ở hội thảo còn có rất nhiều khách hàng tiềm năng thường là đối tác lớn của các công ty tổ chức hội thảo, hoặc các khách hàng có nhu cầu về dịch vụ đến hội thảo để tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm. Đây chính là cơ hội tốt để bạn nắm bắt và tạo dựng mối quan hệ. Hãy lịch sự lại làm quen, giới thiệu về bạn, công ty bạn và đưa danh thiếp cho họ, chắc hẳn với tỷ lệ cao khách hàng sẽ rút danh thiếp của họ và đưa bạn. Nếu làm được điều vừa rồi bạn sẽ có hai thứ, đầu tiên là ghi lại ấn tượng với khách hàng, thứ hai là bạn có thông tin của khách hàng để kết nối.
5. Lưu trữ thông tin khách hàng chi tiết
Hãy sử dụng một phần mềm phù hợp để lưu thông tin khách hàng, các khách hàng bạn chào hàng, thông tin liên hệ, tình trạng và tiềm năng phát triển. Bạn nên kết nối với khách hàng trên tất cả các kênh xã hội nếu được từ zalo, facebook, viber…vì tần suất bạn xuất hiện sẽ giúp cho khách hàng có ấn tượng với bạn và lựa chọn bạn khi họ có nhu cầu. Hãy đăng bài giới thiệu sản phẩm trên các kênh truyền thông, các bài viết của báo chí về công ty bạn, thông tin liên hệ với bạn để giúp các khách hàng nhớ bạn là ai, bạn làm gì, và có cách nào để liên hệ với bạn.
Không cần có quá nhiều kỹ năng ngay từ đầu nhưng nhất định phải có hai đức tính.
6. Ham học hỏi, không ngại khó, sợ khổ.
Bạn lựa chọn con đường kinh doanh thì đừng nghĩ chỉ ăn mặc đẹp vào văn phòng đánh máy, gọi điện thoại cho khách hàng, làm kinh doanh dù cho chính mình hay cho công ty đều cần sự lăn xả không ngại khó, sợ khổ và phải thật sự ham học hỏi.
Khi gọi điện thoại chào hàng, bạn hãy cố gắng hẹn gặp mặt khách hàng để trao đổi. Những lần đầu bạn nên nhờ một người đã có kinh nghiệm đi cùng để nghe cách họ tư vấn, giới thiệu dịch vụ và ghi chú lại. Sau khi có dữ liệu, bạn tập đánh giá tổng thể về khách hàng, khu vực địa lý và các công ty xung quanh khách hàng. Ví dụ khách hàng làm ở tòa nhà lớn, vậy chắc chắn ngoài công ty khách hàng sẽ có nhiều công ty khác trong tòa nhà. Có cách nào để lấy thêm thông tin các công ty đó và chào hàng? Có cách nào tiếp cận lễ tân nhờ họ để thông tin giới thiệu dịch vụ công ty bạn ở quầy giấy tờ? Bạn đã làm tốt cho một công ty trong tòa nhà rồi làm sao để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến các công ty khác? Và nếu bạn để ý sẽ thấy, ở các tòa nhà mọi người rất hay ngồi ở quầy tiếp tân để chờ xe, nói chuyện điện thoại hoặc nhiều khi là một công ty khác đến gặp công ty trong tòa nhà…họ sẽ thường chờ đợi bằng cách đọc tài liệu, tạp chí tại quầy tiếp tân. Đó chẳng phải là cơ hội để bạn tiếp cận khách hàng mới sao?
Ngoài ra, Khi đã thống nhất được phương án làm việc, ký hợp đồng với khách hàng, bạn nên tận dụng cơ hội này để tham gia triển khai và học hỏi cách làm việc của các bộ phận. Ví dụ nếu công ty bạn làm thuộc lĩnh vực công nghệ thì chắc chắn kỹ thuật đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình lắp đặt và vận hành hệ thống cho khách hàng. Bạn có thể đi cùng kỹ thuật xuống khách hàng, học hỏi cách họ làm việc và tạo dựng mối quan hệ với họ. Bạn làm kinh doanh sẽ có những vấn đề kỹ thuật mà bạn chưa biết, nhưng khi khách hàng gặp sự cố chắc chắn họ sẽ tìm đến bạn đầu tiên, vì vậy việc bạn có kiến thức hoặc có mối quan hệ với kỹ thuật sẽ giúp bạn xử lý vấn đề một cách nhanh chóng
7. Trung thực trong những gì bạn chia sẻ và không ngừng học hỏi nếu bạn chưa biết.
Bạn là một người mới sẽ có nhiều vấn đề chưa biết, vì vậy đừng giả bộ, gồng lên để thể hiện mình biết tất cả mọi thứ khi gặp khách hàng hay trước mặt các đồng nghiệp khác. Nếu trong trường hợp bạn không trả lời được câu hỏi của khách hàng hãy lưu lại và nói với khách hàng bạn sẽ kiểm tra và phản hồi lại khách hàng ngay hôm nay. Sau đó về công ty tìm hiểu, hỏi những anh chị đi trước để trả lời khách hàng, bạn sẽ tạo được sự tin tưởng với khách hàng chứ không phải là kiểu chém gió cho qua chuyện.
Khi bạn khiêm tốn, cơ hội để học hỏi, mở rộng kiến thức sẽ mở ra.
Chặng hành trình đi đến mục tiêu chỉ thật sự hiệu quả khi bạn hiểu mình đang làm gì.
8. Nhìn nhận lại quá trình làm việc
Mỗi tuần, mỗi tháng hãy dành thời gian nhìn nhận lại quá trình làm việc của bạn, bạn có đang đi đúng mục tiêu đã đề ra ban đầu hay chưa, điểm bạn làm tốt, chưa làm tốt và bạn có thể cải thiện, thay đổi gì để đạt hiệu quả cao hơn không.
9. Không ngại đặt câu hỏi cho quản lý của bạn
Không biết mới hỏi và muốn giỏi thì phải học đúng không? Vậy cách hay nhất để học là gì, chẳng phải là học từ người đã có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực đó. Khi bạn hỏi quản lý của mình những câu hỏi xác đáng và thiết thực, bạn sẽ không chỉ được lắng nghe câu trả lời mà còn được truyền cảm hứng về công việc. Từ đó, quản lý cũng sẽ đánh giá cao bạn hơn và có sự hỗ trợ nhiệt tình đối với bạn
Cuối cùng thì, làm sao để vượt qua ải ba tháng thử việc đây?
Bạn có thấy choáng ngợp một chút với những lời khuyên của mình không?
Hãy kiên trì và chăm chỉ, bạn sẽ vượt qua ba tháng một cách nhanh chóng và xuất sắc. Những điều mình chia sẻ không chỉ giúp cho bạn trong quá trình thử việc mà còn trong quá trình bạn đã trở thành nhân viên chính thức.
Bản quyền bài viết thuộc về Minh Phượng và minhminhwriter.com. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.
#kynang #kinhdoanh #nhanvienkinhdoanh