Huỳnh Trang: Từ cô giáo tận tụy cống hiến với nghề đến khát khao khởi nghiệp xây dựng một môi trường “thực học”

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô gái trẻ quê ở Bến Tre quyết định xây dựng Hệ thống giáo dục của riêng mình và đang có 6 cơ sở phủ kín thành phố và các huyện của Bến Tre.
Hành trình đó của Nguyễn Thị Huỳnh Trang (sinh năm 1987) là cả một chặng đường dài, từ một cô giáo tận tụy cống hiến với nghề đến khát khao khởi nghiệp để xây dựng một môi trường “thực học”.
Bỏ công việc ổn định nhưng mài mòn sự nhiệt huyết, lý tưởng để xây dựng hệ thống giáo dục
Năm 2011, lúc đó Trang 24 tuổi vừa tốt nghiệp Thạc sĩ Ngữ Văn (ĐH Sư phạm TP. HCM), thi đậu Biên tập viên đài truyền hình TP. HCM nhưng cô lựa chọn trở về Bến Tre nơi sinh ra và lớn lên để giảng dạy. Cô quyết định làm việc tại trường Chuyên năm xưa từng theo học với tất cả sự đam mê và lý tưởng, với mong muốn phát triển hệ thống giáo dục của Bến Tre. Tuy nhiên, mỗi ngày đi làm về, Trang đều mang cảm xúc bế tắc. Câu hỏi: “Làm thế nào để có thể mang cách học năng động, chủ động, hướng tới tính hiệu quả và khai phóng cho các em học sinh trước tình trạng thụ động và có phần máy móc của cách học hiện tại?” Cô muốn phát triển phương pháp giảng dạy mới cho các em nhưng không tìm được tiếng nói chung với nhà trường. Trang quyết định nghỉ việc.
Cô đi học Nghiên cứu sinh tại Hà Nội, sau đó nộp hồ sơ ứng tuyển vào một trường Đại học có tiếng ở Sài Gòn và được nhận ngay làm giảng viên cơ hữu. Nhưng trong ngày đầu lên tìm hiểu công việc, Trang quyết định từ chối vì cảm nhận được môi trường mới cũng không khác mấy so với nơi cô đã từng làm việc.
Trang tự hỏi bản thân: “Nơi nào vừa giúp mình được làm giáo dục, vừa có thể tận dụng được giá trị, sự cống hiến của mình, vừa mang đến được giá trị tốt đẹp cho cộng đồng MỘT CÁCH LÂU BỀN NHẤT?”. Từ đây, cô quyết định khởi khởi nghiệp với GESTH.
Chậm mà chắc, kiên trì với Giáo dục Xanh
Chặng hành trình xây dựng GESTH trải đầy gian nan. Không được sự ủng hộ từ người thân, bạn bè, gia đình – phần vì thương, phần vì lo, Trang chỉ có sự đồng hành của ông xã. Sâu bên trong, Trang hiểu mình đang làm một việc tốt, đang tạo ra giá trị cho cộng đồng với cái tâm của người làm giáo dục nên cô rất thoải mái và quyết tâm để làm.
Với số vốn ban đầu hơn 200 triệu, Trang bắt tay xây dựng cơ sở đầu tiên tại Thành phố Bến Tre. Ai cũng nói vợ chồng cô liều, để làm một hệ thống như vậy người ta có cả tiền tỷ còn chưa dám làm mà cô lại ‘tay không bắt giặc’. Hai vợ chồng đã có không biết bao nhiêu đêm mất ngủ vì lo lắng chuyện tiền nong. Đến khi cơ sở một dần hoàn thiện, Trang phải đối mặt với bài toán doanh thu. Người hỗ trợ cô lúc đó sẵn sàng chạy quảng cáo khóa học mang về doanh thu một tỷ chỉ trong thời gian ngắn. Mới ra đầu tư việc thu hồi vốn càng nhanh càng tốt sẽ tạo cơ hội cho Trang phát triển các cơ sở mới, cô bị đặt vào lựa chọn: doanh thu hay chất lượng. Nếu không phải là một người giáo có tâm với nghề, thương học sinh và muốn phát triển giáo dục Bến Tre có lẽ Trang đã đồng ý. Trang hiểu rằng việc giảm giá sẽ khiến các học sinh đăng ký ồ ạt, chắc chắn cô sẽ không đảm bảo được chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất. Cô đã từng chứng kiến những trung tâm giáo dục đứt gánh giữa chừng, bỏ lại học sinh và phụ huynh, họ vẫn dạy học nhưng không đảm bảo chất lượng cam kết như ban đầu. Cô quyết định không làm. Đây cũng là lúc Trang thấy được bộ mặt thật của người hỗ trợ mình, họ chỉ muốn lợi dụng cô để ăn chia lợi nhuận chứ không hề quan tâm đến giáo dục.
Thật may, trời không phụ người, vào thời điểm khó khăn nhất, những bậc phụ huynh của học trò vợ chồng cô dạy đã hỗ trợ cô rất nhiều. Duyên gieo đi, rồi duyên nhận lại, vòng tròn hữu duyên đó thật đẹp. Cô cảm thấy biết ơn đời, và càng vững lòng hơn với giá trị của thực học mà cô và ông xã đã và đang tạo ra. Nhờ vậy cô đã xoay sở được qua thời điểm khó khăn nhất và xây dựng các cơ sở mới.
Cứ như thế, Trang chọn con đường đi chậm mà chắc, tập trung vào chất lượng giáo dục, mục tiêu của cô là hướng vào “thực học”. Giống như việc Trang lựa chọn cái tên Giáo dục Xanh cho hệ thống của mình, cô thể hiện tình yêu, sự đam mê dành cho giáo dục vào mỗi con chữ: GESTH được kết hợp từ ba chữ cái đầu Green Education System và TH là chữ cái đầu trong tên của vợ chồng cô. GESTH được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, một lớp chỉ nhận khoảng trên dưới 10 em, những lớp đại trà cũng chỉ tối đa 20 em, để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất. Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng cho học sinh về môn học, dạy cho các em sự tự lập trong quá trình học và làm bài. Từ đó, các em không còn sợ môn học đó nữa mà ngược lại, không ít em đã chuyển thành yêu thích môn học và đam mê, có khả năng tự giải quyết bài tập và đạt điểm cao. Có những em học sinh bị mất căn bản trầm trọng chỉ sau hai tháng đã có khả năng tự học và thi đạt điểm cao trong kỳ thi của Sở Giáo dục và đậu vào trường Chuyên của Tỉnh.
Dù vậy, Trang vẫn gặp khó khăn rất lớn khi xây dựng các cơ sở ở huyện. Ở đây, phụ huynh không quan tâm về giá trị nhận được mà chỉ quan tâm về học phí. Trước khi làm dự án và định giá sản phẩm, vợ chồng Trang và những cộng sự GESTH đã cân nhắc rất nhiều về khả năng chi trả của Phụ huynh. Khi đó, cô không chỉ đặt mình ở vị trí một người làm kinh doanh, mà đặt mình ở vị trí một người giáo viên, một người phụ huynh, một người đã đi mua sản phẩm về giáo dục để đưa ra con số phù hợp. Trang không thể giảm học phí theo mức học lớp đại trà lên đến 40, 50 em/lớp như mức phí ở huyện, vì những giá trị khác biệt mà GESTH mang đến (từ đội ngũ giáo viên, nhân viên chăm sóc khách hàng đến cơ sở vật chất, và hơn hết là chất lượng và hiệu quả học tập). Có những khóa đầu tiên khi về huyện, Trang cũng phải chấp nhận bù lỗ để mở lớp, duy trì lớp chỉ với 3 – 5 em để có thể mang giá trị của GESTH đến với cộng đồng.
Chỉ cần hướng về phía ánh sáng, kết quả sẽ không tệ
Với Trang, thành công là khi mình bước qua được giới hạn của bản thân mà trước đó bản thân chưa từng nghĩ là sẽ làm được.
Chưa tròn một năm theo đuổi kiên trì, bền bỉ, GESTH đã được thành hình, đi vào vận hành và đang dần hoàn thiện. Hiện tại, GESTH có 6 cơ sở tại thành phố và các huyện của Bến Tre. Tương lai, Trang mong muốn có thể đóng gói được sản phẩm và phát triển Gesth tại thị trường Sài Gòn.
GESTH tập trung đào tạo tất cả các môn học, đặc biệt là luyện thi cho các em học sinh vào cấp ba và đại học. Ngoài ra, Trang còn mở thêm các lớp ngoại ngữ như Tiếng Anh (dành cho mọi độ tuổi từ trẻ em đến người lớn đi làm muốn lấy Ielts), Tiếng Nhật, Tiếng Hàn…
Với quan điểm sống hết mình theo tinh thần YOLO (“Bạn chỉ sống một lần duy nhất”) và khao khát hướng về phía của ánh sáng như hoa hướng dương, Trang đã đem tất cả tình yêu, niềm tin và khát khao ấy vào giáo dục. Những lúc cô muốn gục ngã cũng là lúc cô tự đối thoại: “Mình đang làm cái tốt mà, hôm nay người ta không thấy ngày mai sẽ thấy, ngày mai người ta không thấy thì một ngày nào đó người ta sẽ thấy. Chỉ cần điều mình đang làm là lựa chọn đúng, hướng về phía ánh sáng thì chắc chắn kết quả sẽ không tệ”. Với những học sinh khó khăn hay có nguyện vọng đi sư phạm, Trang hỗ trợ một phần học phí, mở cho các em một con đường, ánh sáng phía trước để các em có thể quay trở lại GESTH làm việc.
Khi được hỏi “nếu được là mình cách đây 10 năm và được lựa chọn lại, Trang sẽ chọn gì?”, cô khẳng định mình vẫn sẽ chọn làm giáo dục vì với đó chính là “con đường của bổn phận” (theo cách nói của người Ấn). Cô yêu công việc của mình và mong muốn được cống hiến, phát triển nền giáo dục của nước nhà. Cô đã không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các môi trường giáo dục trong và ngoài nước để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Cô luôn lấy học sinh là trung tâm, dạy cho các em sự độc lập từ chính trong việc học tập, để bước ra ngoài cuộc sống một cách vững vàng hơn.
Trang mong muốn trong thời gian tới sẽ tạo được thay đổi đáng kể cho nền giáo dục Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Bản quyền bài viết thuộc về Minh Phượng và minhminhwriter.com. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.
#giaoduc #khoinghiep #hethonggiaoduc