Kỹ thuật viết

Áp dụng storytelling vào content để tạo câu chuyện hấp dẫn người đọc

Storytelling theo nghĩa đen là kể chuyện, trong viết lách là đưa câu chuyện vào bài viết, khơi gợi cảm xúc, trí tưởng tượng của người đọc, khiến người đọc cuốn theo nội dung và nhận ra thông điệp tác giả muốn truyền tải. 

Storytelling thu hút độc giả vì con người bẩm sinh từ nhỏ đã thích nghe kể chuyện và câu chuyện cũng là cách tri thức nhân loại truyền từ đời này qua đời khác trước khi có chữ viết. Do đó câu chuyện dễ dàng kết nối với tiềm thức, thói quen, trải nghiệm của độc giả, gây ra cho họ sự tò mò và mong muốn tìm hiểu cách nhân vật giải quyết vấn đề trong chuyện.

Một câu chuyện hấp dẫn được phát triển dựa trên 3 bước:

Xác định đối tượng độc giả, khách hàng

Muốn viết một câu chuyện thuyết phục, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định đối tượng độc giả và khách hàng mục tiêu. Thông qua việc nghiên cứu thị trường và nghiên cứu từ khóa, bạn cần vạch rõ:

  • Đối tượng câu chuyện hướng đến?
  • Nỗi đau, vấn đề của họ?  
  • Mong muốn, khát vọng họ đang tìm kiếm?

Xác định thông điệp thương hiệu muốn truyền tải

Tiếp theo, bạn xác định thông điệp thương hiệu muốn truyền tải thông qua 4 câu hỏi để quyết định câu chuyện sẽ được xây dựng như thế nào.

  • Họ muốn nói điều gì với khách hàng?
  • Họ muốn cho khách hàng thấy giá trị gì?
  • Tại sao khách hàng nên lựa chọn sản phẩm/dịch vụ?
  • Điều gì sẽ thuyết phục khách hàng làm theo dẫn dắt của họ? 

Xây dựng câu chuyện lôi cuốn người đọc

Bối cảnh

Đầu tiên, bạn cần suy nghĩ về bối cảnh diễn ra câu chuyện để mọi thứ được dẫn dắt và xảy ra tự nhiên nhất.

Ví dụ:

Thông điệp thương hiệu muốn truyền tải: Thực phẩm sạch Minh An giúp người tiêu dùng an tâm nấu những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho gia đình.

Bối cảnh: Cục quản lý thị trường kiểm tra hàng loạt các khu chợ tại quận 7 và phát hiện rất nhiều cửa hàng nhập thịt không rõ nguồn gốc.

Nhân vật

Tiếp theo, bạn chọn nhân vật sẽ xuất hiện trong câu chuyện, hình dung về chân dung và tính cách nhân vật bạn muốn xây dựng.

Ví dụ: 

Nga cô con dâu trong một gia đình 3 thế hệ với trách nhiệm chăm sóc bữa ăn cho từng thành viên.

Cốt truyện

Ở phần này bạn sẽ xây dựng cốt truyện, tình huống thương hiệu muốn phác họa để truyền tải thông điệp đến người đọc.

Ví dụ: 

Cuộc vật lộn giữa Nga – đại diện cho người tiêu dùng mong muốn khỏe mạnh với những người bán hàng vô lương tâm, đặt lợi ích của bản thân lên đầu và hủy hoại sức khỏe của người dân.

Xung đột

Xung đột là sự vật lộn giữa hai lực đối lập và là yếu tố quan trọng nhất tạo nên một câu chuyện.

Nhờ có xung đột, chân dung, tính cách nhân vật mới được hình thành thông qua cách họ phản ứng và đối diện với nó. Từ đó, người đọc mới thấy được quá trình thay đổi và phát triển của nhân vật sau những cuộc vật lộn.

Ví dụ: 

Xung đột 1: Nga đi chợ và mua phải cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Gia đình cô sau bữa ăn đều bị tiêu chảy và nhập viện. Nga quyết định đổi sang mua thực phẩm tại siêu thị.

Xung đột 2: Đứa con trai 15 tuổi của Nga nấu mì tôm và phát hiện hạn sử dụng đã qua 6 tháng, mùi hôi dầu từ mì tôm tỏa ra khiến Nga phát hoảng. Cô mệt mỏi không biết phải mua hàng ở đâu mới yên tâm về chất lượng.

Xung đột 3: Trên đường về nhà, Nga đi ngang qua siêu thị thấy nhiều khay cánh gà chất đống lên nhau xám xịt và chảy nước. Nga rùng mình, nhớ lại cảnh gia đình nhập viện lần trước. 

Câu trả lời, giải pháp

Cuối cùng sau tất cả những gì bạn dẫn dắt độc giả thông qua từng xung đột thì điều bạn cần làm là đưa ra câu trả lời, phương pháp giải quyết xung đột – đây chính là thứ mà bạn bán cho khách hàng.

Ví dụ:

Chị gái Nga giới thiệu cho cô về nông trại Minh An, Nga quyết định tìm hiểu và mua hàng thử. Từ đó, cô yên tâm mua thực phẩm tại Minh An, đảm bảo bữa ăn an toàn và dinh dưỡng cho gia đình.

BÀI TẬP: 

Hãy kể lại câu chuyện bạn đến với viết lách bằng cách áp dụng kỹ thuật storytelling.

VÍ DỤ:

Thương hiệu: Nhà bếp trường học Minh Tâm

Thông điệp: Bếp ăn của trường Minh Tâm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giúp phụ huynh yên tâm cho con ăn trưa bán trú tại trường

Dạng bài: Video

Nhân vật: Hương – người mẹ có cô con gái nhỏ học lớp một.

Xây dựng câu chuyện: 

Ngày đầu tiên đưa con gái vào lớp một, Hương vô cùng hồi hộp và lo lắng. Cô không biết con gái ở trường có gần gũi với thầy cô, bạn bè, ăn uống và nghỉ ngơi có ngoan ngoãn không.

Trưa Sài Gòn nắng 38 độ, Hương xách vội chiếu túi tất bật chạy từ công ty đến trường học hơn 10km để đưa con về nhà ăn cơm. Cô sợ con bụng dạ yếu sẽ không ăn được những món ăn ở trường.

Cô xem báo thấy một số trường học làm đồ ăn không đảm bảo vệ sinh khiến học sinh bị ngộ độc thực phẩm vì vậy dù đã đón con về ăn trưa nhưng vào các bữa xế khi con ăn tại trường cô cũng không yên tâm và nhắn tin mỗi ngày hỏi giáo viên chủ nhiệm về tình hình của con. 

Hôm nay như thường lệ Hương đến trường đón con về ăn trưa, con gái giãy nảy, nước mắt nước mũi tèm nhem đòi ở lại ăn trưa với các bạn. Hương nói nhẹ, nói nặng gì con cũng không nghe, dỗ không được cô giận quá đánh con, rồi lại ôm con vào khóc vừa đau lòng vừa thương. Cô vất vả, mệt mỏi ngày nào cũng chạy tới chạy lui từ công ty đến trường con rồi về nhà chỉ mong con ăn uống đầy đủ vậy mà con không hiểu cho tấm lòng của cô. 

Tối về, Hương buồn bã kể lại chuyện này với chồng, chồng khuyên cô: Em thử tìm hiểu về bếp ăn ở trường xem như thế nào. Mình có thể cho con ăn ở trường một thời gian rồi sau đó mới quyết định có đón con về nhà ăn hàng ngày hay không. Em đi lại vất vả anh cũng lo lắm, sợ em không chịu được rồi lại đổ bệnh.

Lời chồng nói khiến Hương suy nghĩ, cô quyết định mở website của trường lên tìm hiểu thông tin thì phát hiện:

  • Bếp của trường A được cấp giấy phép chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Nguyên liệu chế biến đồ ăn được nhập từ Meat Deli và Việt Gap.
  • Bữa ăn của học sinh được thiết kế bởi chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành – Tiến sĩ Nam.

Cô nửa mừng nửa chưa an tâm quyết định ngày mai khi đưa con gái đi học sẽ ghé qua tham quan gian bếp của trường A. Cô bất ngờ với sự sạch sẽ, gọn gàng và chỉn chu ở phòng bếp. Cô quyết định đăng ký cho con ăn tại trường.

Sau một thời gian, Hương quan sát mỗi ngày con đi học về đều rất vui vẻ khoe với vợ chồng cô những món ăn được ăn ở trường. Đôi khi vào cuối tuần con gái còn đòi cô nấu một số món nhà trường cho ăn vì cảm thấy rất ngon và hợp khẩu vị của con.

Sau ba tháng, con gái Hương tăng cân, phát triển chiều cao, khỏe mạnh và vui chơi học tập. Hương và chồng rất yên tâm, hai vợ chồng vui mừng quyết định cho con ăn bán trú tại Minh Tâm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button