Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm năm 40 tuổi, ước mơ tưởng như viển vông nhưng hoàn toàn có thể thực hiện ngay từ bây giờ

Đời sống xã hội ngày càng nâng cao, những quy chuẩn về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy dường như cũng gắn liền với vật chất nhiều hơn. Nhiều người lầm tưởng rằng một cuộc sống tự do, hạnh phúc là phải có nhà, xe hơi và đi vay nợ, trả góp để hiện thực hóa cho bằng được. Cuối cùng cả đời sống trên vai nợ nần và chạy theo đồng tiền mà không tìm được tự do, hạnh phúc đích thực.
Sự tự do chỉ đến khi chúng ta đạt được độc lập về tài chính, làm chủ tiền bạc, cuộc đời của mình và sống một cuộc sống hạnh phúc thật sự. Vậy làm sao để đạt được độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm năm 40 tuổi và theo đuổi cuộc sống bạn mơ ước? Hãy lên một kế hoạch tài chính ngay từ bây giờ cùng với phương pháp quản lý tiền bạc phù hợp, mục tiêu tự do tài chính hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn.
Lên kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu sớm
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi. Để có thể đạt được độc lập về tài chính năm 40 tuổi, bạn sẽ phải chuẩn bị một khoản tiền đủ để trang trải cuộc sống từ năm 41 tuổi đến năm 73 tuổi, vì vậy số tiền cần tích lũy sẽ bằng 33 lần mức chi phí tối thiểu trong một năm.
Giả sử năm nay bạn 27 tuổi, đã có gia đình và thu nhập mỗi tháng của gia đình là 30 triệu. Theo nguyên tắc quản lý tài chính 50/20/30 được đề cập trong cuốn sách “All your worth: The ultimate lifetime money plan” năm 2005 do thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts giới thiệu: thu nhập sau thuế nên được phân bổ vào ba nhóm chính: 50% dành cho nhu cầu thiết yếu, 20% dành cho mục tiêu tài chính và 30% còn lại dành cho các chi tiêu cá nhân. Điều này có nghĩa là chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của gia đình bạn là 15 triệu/tháng. Vậy số tiền bạn cần phải chuẩn bị để đạt được độc lập tài chính năm 40 tuổi là khoảng 6 tỷ (tức bằng 15 triệu/tháng x 12 tháng x 33).
Theo báo cáo của tổng cục Thống kê về khảo sát mức sống dân cư năm 2020, thu nhập bình quân đạt khoảng 4,23 triệu đồng/người/tháng, trong đó ở thành thị đạt 5,538 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 1,6 lần nông thôn. Do đó xét về mức sống hiện tại của người dân Việt Nam, bạn nên nâng mục tiêu tài chính lên 30% và hạ chi tiêu cá nhân xuống 20% để tích lũy nhiều hơn. Đây cũng là một con số hợp lý để tiết kiệm mà không cảm thấy quá áp lực và khó khăn.
Bắt đầu thực hiện kế hoạch với điểm xuất phát ở hiện tại
Muốn chuẩn bị cho chặng hành trình đạt được con số độc lập về tài chính, bạn sẽ cần theo dõi chi tiêu bằng cách ghi chép thu chi mỗi ngày, kiểm tra các khoản nợ và lên kế hoạch xóa nợ. Nợ nần là một trong những yếu tố gây ra nhiều mệt mỏi, căng thẳng, khiến bạn luôn chạy theo tiền bạc và không có giờ phút thảnh thơi. Đặc biệt là những khoản nợ xấu, vay xã hội đen, tín dụng, bạn sẽ cần phải ưu tiên trả trước. Nếu có nhiều nợ, bạn nên cân nhắc chuyển % từ các chi tiêu cá nhân sang mục tiêu tài chính lên 30-40%.
Bước thứ hai, sau khi đã xóa nợ xong bạn sẽ sắp xếp lại dòng tiền của mình. Bạn không thể chỉ chăm chăm vào tiết kiệm, đầu tư để hoàn thành mục tiêu nghỉ hưu sớm trong khi vẫn còn những bất an về tài chính. Yếu tố rủi ro, các trường hợp bất khả kháng luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bạn sẽ không thể lường trước việc một ngày công ty cho thôi việc hay bạn không may mắc bệnh nặng và cần rất nhiều tiền chữa trị.
Vì vậy chuẩn bị một khoản tiền dành cho các trường hợp bất khả kháng dao động bằng 6-12 lần chi phí cho nhu cầu thiết yếu một tháng là cực kỳ quan trọng. Sau khi bạn tiết kiệm khoản tiền này xong, hãy quên nó đi và không sử dụng nó cho những mục đích khác. Song song đó, bạn cũng cần chuẩn bị một khoản tiền dành cho chi tiêu có dự kiến trong kế hoạch như đổi xe, máy tính, sửa nhà… dao động bằng 3-6 lần chi phí cho nhu cầu thiết yếu một tháng.
Bước cuối cùng khi đã đảm bảo an toàn tài chính, bạn sẽ bắt đầu tiết kiệm để đầu tư, đồng thời dành một khoản tiền tầm 7-10%/năm để mua bảo hiểm nhân thọ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của gia đình.
Đầu tư là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính
Bạn không thể chỉ làm việc và tích lũy đơn thuần là có thể đạt được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm. Bạn cần học về đầu tư để tiền đẻ ra tiền và xây dựng tài chính vững mạnh cho bản thân khi đến 40 tuổi. Vì thế, khoản tiền tiết kiệm dành cho đầu tư sẽ không được sử dụng mà chỉ tích lũy và gộp thêm vào sau mỗi năm.
Giả sử hiện tại bạn đã tích lũy được một khoản tiền 120 triệu, mỗi tháng bạn tiết kiệm 30% tổng thu nhập là 10 triệu, một năm là 120 triệu. Bạn mang số tiền đó đi đầu tư với lãi suất 20%/năm. Tức là với số tiền ban đầu bạn mang đi đầu tư là 120 triệu, mỗi năm bạn sẽ bỏ thêm 120 triệu tiền tiết kiệm vào khoản tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy của năm trước, thì sau 13 năm từ năm 27 tuổi đến 40 tuổi theo công thức lãi kép số tiền bạn kiếm được là khoảng 7 tỷ.
Công thức tính lãi kép: Số tiền kỳ thứ n = Số tiền gốc* (1+lãi suất)^số kỳ.
Lúc này khi đã trừ đi các chi phí và lạm phát, số tiền còn lại bằng với mục tiêu tích lũy để bạn đạt được sự độc lập tài chính là 6 tỷ.
Chất xúc tác cho một kế hoạch nghỉ hưu vươn xa
Trong quá trình chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu, bạn cũng không nên dừng ở mức thu nhập hiện tại mà tìm cách tăng nguồn thu lên theo mỗi mốc thời gian. Việc này sẽ giúp cho bạn nhanh chóng hoàn thành kế hoạch của mình, chuẩn bị thêm một khoản tiền tích lũy và vững vàng hơn sau khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, nếu chỉ vì muốn tiết kiệm thật nhiều mà bạn chấp nhận làm những công việc mình không yêu thích, sống quá khắc khổ đến mức không dành thời gian, một chút tiền bạc quan tâm đến bản thân, bạn sẽ dần kiệt sức, đánh mất niềm tin và sự kiên trì trên hành trình này. Bạn có thể lựa chọn làm nhiều việc để kiếm nhiều tiền hơn nhưng hãy luôn có cho mình một công việc yêu thích, một sở thích để được tận hưởng và nạp năng lượng mỗi khi gặp khó khăn.
Cuối cùng, bạn không nên dừng lại ở việc lập kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu mà hãy lập cả kế hoạch cho cuộc sống của bạn, cho nguồn tiền bạn sẽ đầu tư và tích lũy như thế nào sau đó. Đây mới thật sự là lý do, là động lực, chất xúc tác mạnh mẽ giúp bạn đạt được sự độc lập về tài chính và nghỉ hưu sớm. Hãy vẽ ra bức tranh của từng năm, những nơi bạn muốn đến, những việc bạn muốn làm, những điều bạn muốn chia sẻ và giúp ích cho cuộc sống, cho xã hội. Nó sẽ là ngọn lửa thôi thúc và đẩy bạn về phía trước để đạt được mục tiêu cuộc đời của mình.
Độc lập về tài chính và nghỉ hưu sớm không phải là một ước mơ xa vời, mục tiêu đó hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu chúng ta bắt đầu từ sớm, kiên trì bền bỉ và nỗ lực không ngừng trên hành trình ấy. Bạn càng trẻ, càng ý thức sớm sẽ càng nhanh chóng đạt được. Vì thế ngay hôm nay hãy đặt bút xuống viết lên kế hoạch độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm của mình, bắt tay thực hiện và nghĩ về nó mỗi ngày. Bạn chắc chắn sẽ hoàn thành được, từ đó kiểm soát đồng tiền và quản lý cuộc đời của chính mình.
Minh Minh
Bản quyền bài viết thuộc về minhminhwriter.com. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.