Tài chính cá nhân
Nguyên tắc 6 chiếc lọ – Bí quyết quản lý tiền bạc

Sau bài viết mình chia sẻ cách lên mục tiêu tài chính – Con đường đến tự do tài chính. Hôm nay mình sẽ giới thiệu thêm một trong những phương pháp quản lý tiền bạc theo tháng mình đã áp dụng và thấy hiệu quả là nguyên tắc 6 chiếc lọ (Jars System). Nguyên tắc này được tạo ra bởi Harv Eker – tác giả hai cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới “Bí Mật Tư Duy Triệu Phú” (Secret of Millionaire Mind) và “Làm Giàu Nhanh” (Speed Wealth). Ông là người đã xây dựng chương trình nổi tiếng Tư duy Triệu phú (Millionaire Mind Intensive) giúp thay đổi cuộc sống tài chính của hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới.
Ưu điểm của phương pháp này là bất cứ ai cũng đều có thể sử dụng dù bạn không có nhiều tiền để quản lý hay đang trong tình trạng nợ nần. Nếu bạn áp dụng đều đặn và thực hiện mỗi tháng, năm, đặc biệt từ 10 năm đến 20 năm trở lên bạn có thể đạt được sự tự do tài chính và làm chủ tiền bạc.
Hướng dẫn áp dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ
Đầu tiên, dự tính khoản tiền mỗi tháng bạn kiếm được dựa trên trung bình 6 tháng gần nhất và bỏ khoản tiền đó vào 6 lọ bên dưới (làm việc này vào tuần cuối cùng trước khi bắt đầu một tháng mới).
Lọ số 1: Nhu cầu thiết yếu (55%)
Lọ nhu cầu thiết yếu dùng để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của bạn hay gia đình bạn.
Mục đích: đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho cuộc sống.
Ví dụ: tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, giải trí, mua sắm…
Lọ số 2: Hưởng thụ (10%)
Lọ hưởng thụ dùng để chi tiêu vào những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ một cách trọn vẹn, hết mình.
Mục đích: yêu thương bản thân và tạo nguồn năng lượng cho bạn sau những ngày làm việc vất vả.
Ví dụ: đi du lịch, ăn một bữa tối sang trọng hay làm bất cứ điều gì bạn muốn.
Nếu bạn đã có gia đình, khoản tiền này nên được chia cho hai vợ chồng vì có thể mỗi người sẽ có một sở thích, ước muốn khác nhau và ai cũng có quyền được hưởng thụ theo cách của riêng mình.
Hãy nhớ tiêu hết số tiền này vào ngày cuối cùng của tháng!
Lọ số 3: Quỹ tự do tài chính (10%)
Lọ tự do tài chính được sử dụng để giúp bạn có một cuộc sống như mong muốn mà không cần làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác.
Mục đích: sử dụng để tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập thụ động.
Ví dụ: gửi tiết kiệm, đầu tư, góp vốn kinh doanh
Chú ý:
-
Đừng nên bao giờ tiêu tiền trong quỹ này cho bất kỳ một mục đích nào khác. Bạn chỉ được sử dụng khi đã đạt được sự tự do về tài chính và tiêu phần lợi nhuận thay vì tiền gốc.
Lọ số 4: Quỹ giáo dục (10%)
Lọ giáo dục dùng để trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cho bạn.
Mục đích: giúp bạn không ngừng phát triển năng lực bản thân, từ đó có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn
Ví dụ: sách, các khóa học hay bất cứ thứ gì có liên quan đến giáo dục
Hãy nhớ đầu tư càng nhiều vào tri thức của bản thân càng tốt vì bạn là tài sản lớn nhất của chính mình.
Lọ số 5: Tiết kiệm dài hạn (10%)
Lọ tiết kiệm dài hạn là lọ dùng để tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn, ước mơ trong tương lai mà bạn đặt ra.
Mục đích: giúp bạn có tầm nhìn tài chính để từng bước đạt được mục tiêu dài hạn và có động lực tiết kiệm dần dần cho việc đó.
Ví dụ: mua nhà, mua xe, quỹ dự phòng, chuẩn bị tiền học đại học trong tương lai cho con cái.
Lọ số 6: Cho đi (5%)
Lọ cho đi dùng để sẻ chia, cho đi mà không mong nhận lại. Và đôi khi chính sự không mong nhận lại của bạn lại là lúc bạn nhận lại nhiều hơn sự cảm ơn và yêu thương chân thành từ một ai đó.
Mục đích: thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc sống, những người thân yêu, gia đình và xã hội.
Ví dụ: làm từ thiện, gửi tiền biếu bố mẹ, mua quà sinh nhật cho bạn bè…hoặc đơn giản là cho đi thời gian của bạn cho một ai đó đang cần như làm tình nguyện viên cho hoạt động từ thiện.
Tiếp theo, sau khi bạn đã hiểu ý nghĩa và chức năng của mỗi lọ đây là lúc bạn lập một file excel và note lại chi tiêu mỗi ngày. Việc này sẽ giúp bạn theo dõi tình hình và kế hoạch tài chính của mình có đang đi đúng hướng hay không để điều chỉnh lại chi tiêu cho phù hợp.
Những điều bạn có thể thắc mắc trong quá trình thực hiện
1. Nếu lọ nhu cầu thiết yếu của tôi lớn hơn 55%, tôi sẽ phải làm gì?
% trong 6 chiếc lọ có thể thay đổi theo thu nhập và mức sống của bạn. Mục đích của nguyên tắc này là giúp bạn tạo ra thói quen quản lý tiền bạc và điều này quan trọng hơn so với số tiền bạn bỏ vô. Vì vậy nếu bạn không có thu nhập cố định để áp dụng, hãy lấy một khoản tiền nhỏ bạn có thể trích ra để quản lý và thực hành trước.
Lưu ý: Đối với lọ nhu cầu thiết yếu khoản tiền bỏ vô chỉ nên từ 55% đến 80% là tối đa.
2. Tôi đang phải trả nợ, tôi chưa biết sẽ áp dụng như thế nào.
Bạn vẫn cần áp dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ và sử dụng lọ tiết kiệm dài hạn để trả nợ. Hãy cố gắng chỉ nợ ở mức tối thiểu nhất và không vượt quá số tiền trong lọ tiết kiệm dài hạn.
Một điều quan trong bạn cần biết đó là: nếu bạn trả hết nợ trước khi có thói quen quản lý tiền có thể khiến cho mô hình nợ lặp lại. Vì vậy, bạn phải tạo thói quen quản lý tiền bạc trước và trả nợ trong quá trình đó mới có thể giúp bạn thoát khỏi nợ nần trong tương lai.
3. Nếu tôi có khoản tiền thu nhập thụ động, tôi nên đặt nó vào đâu?
Nếu bạn muốn tự do về tài chính nhanh hơn, bạn nên đặt nó vào quỹ tự do tài chính của mình.
4. Tôi có thể sử dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ khi dùng thẻ tín dụng không?
Thẻ tín dụng sử dụng hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền từ các ưu đãi, chương trình khuyến mãi, hợp tác với các thương hiệu của ngân hàng. Bạn có thể ghi chép lại chi tiêu mỗi ngày từ thẻ tín dụng hoặc dùng sao kê mỗi tháng để đánh dấu lọ mà mỗi khoản phí sẽ được thanh toán từ đó
Nhưng nếu bạn là người thường xuyên mắc nợ thẻ tín dụng, bạn nên cố gắng thanh toán hoàn tất và không sử dụng nữa.
Nguồn thông tin: https://www.harveker.com/ và http://6jars.com/
Nếu bạn muốn nhận file quản lý tài chính theo 6 chiếc lọ, bạn vui lòng điền thông tin email bên dưới giúp mình.
Bản quyền bài viết thuộc về Minh Phượng và minhminhwriter.com. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.